THÔNG BÁO VỀ TUYÊN TRUYỀN

       UBND HUYỆN LẤP VÒ           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 669/TB-PGDĐT                              Lấp Vò, ngày 09  tháng 10 năm 2015

 

 

THÔNG BÁO

Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo

Về việc thực hiện chuyên môn cấp Tiểu học năm học 2015 – 2016

 

 

 

Căn cứ cuộc họp chuyên môn cấp tiểu học vào lúc 14 giờ 00 phút ngày 02 tháng 10 năm 2015 giữa lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo cùng với lãnh đạo các trường tiểu học và tổ trưởng, tổ phó các tổ bộ môn cấp tiểu học;

Qua thảo luận của các thành viên tham dự cuộc họp, Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo có ý kiến chỉ đạo như sau:

 

  1. Quy định chế độ sinh hoạt, báo cáo đối với các tổ bộ môn:

– Các tổ bộ môn thực hiện theo chế độ sinh hoạt định kì 2 lần/tháng (tuần thứ nhất và tuần thứ ba của tháng; trường hợp có thay đổi bất thường phải có thông báo với Lãnh đạo các trường và Tổ Nghiệp vụ Phòng Giáo dục – Đào tạo). Nội dung các lần sinh hoạt bao gồm công tác dự giờ; rút kinh nghiệm giảng dạy; trao đổi cách thực hiện nhận xét học sinh theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT; xây dựng kế hoạch và đánh giá kết quả hoạt động của tổ.

– Quy định báo cáo: Các tổ phải xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ trong năm học; đề ra các chỉ tiêu về giảng dạy, dự giờ,…Hàng tháng (trước ngày 06), các tổ gởi báo cáo tháng trước và kế hoạch hoạt động tháng về Tổ Nghiệp vụ và Lãnh đạo các trường có thành viên trong tổ.

– Tổ trưởng, tổ phó các tổ bộ môn có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ sổ sách của các thành viên trong tổ; cuối học kì, cuối năm học thực hiện phiếu đánh giá giáo viên gởi Lãnh đạo các trường.

 

  1. Quy định định mức tiết dạy hội giảng, thao giảng và dự giờ đối với giáo viên:

– Dạy hội giảng, thao giảng: Trong năm học, mỗi giáo viên thực hiện dạy cho Lãnh đạo trường và đồng nghiệp dự giờ ít nhất là 06 tiết (trong đó: dạy hội giảng, thao giảng ít nhất là 02 tiết; số tiết còn lại có thể tính vào các tiết kiểm tra toàn diện, đăng kí tiết dạy tốt, đánh giá chuẩn nghề nghiệp,…).

– Dự giờ: Trong năm học, mỗi giáo viên tham gia dự giờ ít nhất 18 tiết.

(Đối với các tổ bộ môn có số lượng đông thì tổ trưởng trực tiếp liên hệ với Tổ Nghiệp vụ để được hướng dẫn cụ thể).

 

  1. Quy định về hồ sơ sổ sách của giáo viên: Thực hiện theo công văn số 213/PGDĐT-GDTH, ngày 20 tháng 4 năm 2015 của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

*Riêng công văn liên tịch số 619/KHLT-CĐGD-PGD, ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Công đoàn Giáo dục và Phòng Giáo dục về việc phối hợp chỉ đạo phụ đạo học sinh yếu kém; Phòng Giáo dục có ý kiến chỉ đạo như sau:

– Đây là phong trào phối hợp giữa Công đoàn ngành giáo dục và Sở Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng học sinh, vì vậy các trường yêu cầu giáo viên phải thực hiện theo tinh thần công văn.

– Công văn có sử dụng một số từ ngữ chung (học sinh yếu kém), các trường căn cứ theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT để điều chỉnh thực hiện cho đúng với tình hình thực tế (thực hiện phụ đạo đối với học sinh Chưa hoàn thành).

– Ban Giám hiệu các trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh chưa hoàn thành kiến thức, kĩ năng môn học. Cuối học kì, cuối năm học có sơ, tổng kết. Công đoàn trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở giáo viên thực hiện kế hoạch; theo định kì thực hiện báo cáo về công đoàn giáo dục huyện.

 

  1. Hướng dẫn thực hiện các loại hồ sơ sổ sách của giáo viên:

          4.1 Sổ công tác chủ nhiệm:

– Kế hoạch tháng:

+ Chủ điểm: Căn cứ vào hướng dẫn thực hiện chuyên môn năm học hoặc theo đặc thù của địa phương, Lãnh đạo trường chọn chủ điểm chung cho cả trường thực hiện.

+ Thời gian: Tính theo từng tháng trong năm. Tháng thứ nhất bao gồm tháng 8 + 9. Tháng thứ hai là tháng 10,… (Lưu ý: Cách tính thời gian này không cứng nhắc. Nếu đơn vị đã lấy tháng 8 làm tháng thứ nhất thì tháng thứ hai là tháng 9 và đến tháng thứ chín thì lấy tháng 4 + 5 (…). Đảm bảo sao cho toàn trường thực hiện chung một mốc thời gian là được ).

– Theo dõi bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và phụ đạo học sinh còn khó khăn trong học tập: Giáo viên ghi cụ thể tên học sinh và năng khiếu, khó khăn của học sinh. Kết quả bồi dưỡng, phụ đạo sau mỗi học kì cần ghi vào bảng theo dõi.

– Các kì họp với cha mẹ học sinh, giáo viên ghi lại biên bản cụ thể vào sổ.

 

4.2 Sổ theo dõi chất lượng giáo dục dành cho giáo viên chủ nhiệm:

– Nhận xét thường xuyên:

+ Cách tính thời gian: Cứ 4 tuần thực học tính 01 tháng (tháng thứ nhất từ tuần 1 đến tuần 4, tháng thứ hai từ tuần 5 đến tuần 8 (…)).

– Giáo viên ghi nhận xét hàng tháng đối với từng học sinh. Căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, giáo viên ghi lời nhận xét cho phù hợp. Lời nhận xét của giáo viên có thể:

+ Nêu được ưu điểm của học sinh (đối với những học sinh có tiến bộ, có thành tích nổi bật,…)

+ Chỉ ra hạn chế của học sinh và đề cập biện pháp hỗ trợ tiếp theo cho học sinh (đối với học sinh còn gặp khó khăn trong học tập).

– Tổng hợp kết quả đánh giá:

+ Cột Thường xuyên (TX): đánh dấu X nếu học sinh Hoàn thành hay Đạt.

+ Cột Định kì (ĐK): ghi điểm bài kiểm tra định kì của học sinh.

 

4.3 Sổ theo dõi chất lượng dánh cho giáo viên bộ môn:

– Ghi theo danh sách của giáo viên chủ nhiệm.

– Phần thông tin của học sinh: Giáo viên có thể mượn sổ của giáo viên chủ nhiệm photo phần thông tin và đính kèm theo sổ theo dõi của mình.

– Phần nhận xét hàng tháng: Quy định mỗi học kì phải đảm bảo mỗi học sinh được ghi nhận xét ít nhất một lần (hàng tháng, giáo viên phải ghi nhận xét một số học sinh trong lớp; tránh tình trạng ghi dồn nhận xét cả lớp vào một tháng). Đặc biệt chú ý các học sinh còn hạn chế trong học tập và rèn luyện; những trường hợp này cần phải nhận xét thường xuyên.

– Phần nhận xét tổng hợp cuối kì I và cuối năm học:

|         + Ở cột Môn học và các hoạt động giáo dục: Giáo viên ghi Hoàn thành hay Chưa hoàn thành. Trường hợp học sinh Hoàn thành và có năng khiếu (hoặc ưu điểm) giáo viên ghi thêm lĩnh vực năng khiếu (hoặc ưu điểm) của học sinh. Những học sinh Chưa hoàn thành phải ghi thêm nội dung còn hạn chế của học sinh.

+ Ở cột Năng lực và cột Phẩm chất: Ghi Đạt hay Chưa đạt. Nếu học sinh Chưa đạt phải ghi thêm hạn chế của học sinh.

– Bài kiểm tra định kì: các môn học có điểm bài kiểm tra định kì thi ghi, các môn khác để trống.

– Tổng hợp kết quả đánh giá học sinh cả năm học: Đánh dấu X vào cột tương ứng nếu học sinh Hoàn thành

* Lưu ý:

+ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục dành cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn là sổ dành riêng cho cá nhân giáo viên thực hiện để theo dõi học sinh trong quá trình dạy học; vì thế, không đặt nặng vấn đề về câu từ, hình thức mà chỉ đòi hỏi giáo viên phải làm sao nắm được tình hình học tập và rèn luyện của từng học sinh.

+ Trường hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy bộ môn có sự đánh giá chưa đồng nhất về Năng lực và Phẩm chất của học sinh; các gió viên trực tiếp giảng dạy cần có sự trao đổi để thống nhất một kết quả chung đối với học sinh.

 

4.4 Sổ liên lạc

– Phần thông tin của học sinh: Chỉ cần ghi địa chỉ 01 lần nếu học sinh ở cùng với cha mẹ. Trường hợp học sinh không ở cùng cha mẹ thì ghi cụ thể địa chỉ của người giám hộ cần khi liên lạc.

– Kết quả học tập của học sinh: Hàng tháng, giáo viên dựa vào Sổ theo dõi để ghi kết quả học tập: Hoàn thành hay Chưa hoàn thành, Đạt hay Chưa đạt vào cột tương ứng của tháng (hàng tháng, giáo viên dạy bộ môn cung cấp thông tin cho giáo viên chủ nhiệm ghi vào sổ liên lạc).

– Phần liên lạc hàng tháng: Giáo viên ghi những nội dung có liên quan đến kết quả học tập của học sinh cho cha mẹ các em nắm. Cần ghi cụ thể những ưu điểm hoặc hạn chế của học sinh để gia đình có sự hỗ trợ.

* Lưu ý: Cách tính thời gian tháng dựa vào Sổ theo dõi chất lượng giáo dục.

 

4.5 Học bạ

– Do giáo viên chủ nhiệm thực hiện. Giáo viên dạy bộ môn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời kết quả theo dõi học sinh cho giáo viên chủ nhiệm.

– Phần nhận xét các môn học và hoạt động giáo dục: Ghi Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Trường hợp học sinh Hoàn thành và có năng khiếu (hoặc ưu điểm) giáo viên ghi thêm lĩnh vực năng khiếu (hoặc ưu điểm) của học sinh. Những học sinh Chưa hoàn thành phải ghi thêm nội dung còn hạn chế của học sinh.

Một số ví dụ:

+ Hoàn thành – Có khả năng tính nhẩm tốt.

+ Hoàn thành – Có giọng đọc diễn cảm, chữ viết đẹp. (…)

+ Chưa hoàn thành – Chưa biết thực hiện tính chia.

+ Chưa hoàn thành – Viết sai chính tả nhiều, chữ viết chưa rõ ràng (…)

– Phần nhận xét các năng lực và phẩm chất: Ghi nhận xét cụ thể từng tiêu chí đối với học sinh. Đánh dấu X vào ô vuông Đạt hay Chưa đạt.

 

  1. Các Hội thi cấp Tiểu học trong năm học 2015-2016, bao gồm:

– Hội thi Ứng xử tình huống sư phạm (dành cho giáo viên).

– Hội thi giải toán qua mạng Internet cấp huyện (dành cho học sinh từ khối 1 đến khối 5).

– Hội thi Olympic tiếng Anh qua mạng (dành cho học sinh khối 3, 4, 5).

– Ngày Hội giao lưu học sinh tiểu học (dành cho học sinh khối 5).

* Nếu có phát sinh thêm Hội thi, Phòng Giáo dục sẽ có văn bản cụ thể.

  1. Quy định chế độ báo cáo của các trường tiểu học: Căn cứ vào các văn bản của Phòng Giáo dục ban hành, đơn vị nào báo cáo trễ thời gian quy định sẽ bị phê bình và trừ điểm thi đua cuối năm của đơn vị.

 

Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hiệu trưởng các trường tiểu học, Tổ trưởng các tổ bộ môn cấp tiểu học triển khai đến toàn thể giáo viên thực hiện tốt tinh thần công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn thì liên hệ trực tiếp với Tổ Nghiệp vụ Phòng Giáo dục – Đào tạo để được hướng dẫn.

 

Nơi nhận:                                                                KT.TRƯỞNG PHÒNG

– Các trường tiểu học (thực hiện);                                                PHÓ TRƯỞNG PHÒNG

– Tổ trưởng HĐBM tiểu học (thực hiện);

– LĐ.PGDĐT ( để biết );                                                                         (Đã kí)

– Lưu VT. NV.                                                                           Nguyễn Thị Phượng